Ý nghĩa phong tục ngày Tết Hàn Thực trong văn hóa người Việt Nam

25 Tháng Ba, 2023 08:28

Những ngày lễ tết luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần. Với truyền thống nông nghiệp lúa nước và bề dày lịch sử thì Việt Nam có rất nhiều những dịp lễ trong một năm.

Cứ gần đến tháng ba âm lịch là các gia đình lại nhắc đến một ngày tết dân gian có tên Tết Hàn Thực. Ngày lễ diễn ra vào mùng 3 tháng 3 âm lịch. Cùng Lịch Ngày Tốt tìm hiểu về ngày đặc biệt này nhé!

Ý nghĩa của cái tên Hàn Thực

Đây là một từ Hán Việt. Hàn có nghĩa là lạnh. Thực là đồ ăn. Kết hợp lại chúng ta hiểu Hàn Thực là đồ ăn lạnh, đã được để nguội. Từ cái tên là bạn có thể suy ra người ta sẽ sử dụng các thức ăn nguội vào ngày lễ này rồi. Đồ ăn điển hình và phổ biến trong ngày tết này là bánh trôi và bánh chay. Ngoài ra, người dân còn xay bột và đồ đỗ xanh, nấu chè xôi… Tất cả những thức ăn này phải được để nguội trước khi sử dụng, để đúng với quy tắc trong Tết Hàn Thực.

ý nghĩa của cái tên Hàn Thực

Ý nghĩa của cái tên Hàn Thực

Nguồn gốc của Tết Hàn Thực

Ngày tết này có mặt ở miền Bắc Việt Nam, một số tỉnh của Trung Quốc và cộng đồng người Hoa trên thế giới. Ngày tết này là phong tục tập quán của người Việt Nam nhưng nguồn gốc xa xưa của nó lại xuất phát từ Trung Quốc. Nó được du nhập vào Việt Nam và tồn tại đến ngày nay. Phong tục xuất phát từ một điển tích của Trung Quốc liên quan đến nhân vật Giới Tử Thôi và vị vua Tấn Văn Công thời Xuân Thu. Nhà vua gặp nạn lưu vong và được Giới Tử Thôi phò tá cho đến khi đoạt lại được ngai vàng. Tuy nhiên, khi ban thưởng cho những hiền sĩ đã trợ giúp mình thì vua lại quên mất Giới Tử Thôi.

Ông không một lời oán trách mà chọn cách đưa mẹ vào núi, quyết định sống như một ẩn sĩ. Khi nhà vua nhớ ra, đi tìm Giới Tử Thôi để trao thưởng nhưng ông lại không chịu ra nhận thưởng. Vua dùng cách đốt rừng để ép Giới Tử Thôi xuất hiện. Không ngờ lại khiến hai mẹ con Giới Tử Thôi bị ngọn lửa lấy mạng. Tấn Văn Công ân hận, cho lập miếu thờ và ban lệnh không đốt lửa trong vòng ba ngày và chỉ được dùng thức ăn đã để nguội, nhằm tưởng niệm bậc hiền thần.

Ngày Tết Hàn Thực bắt đầu như vậy. Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc và trong lịch sử thì cũng chịu ảnh hưởng không ít từ văn hóa Trung Hoa. Ngày Tết Hàn Thực đã du nhập vào nước ta. Nó đã có những thay đổi so với ban đầu và trở thành một nét phong tục riêng.

Nguồn gốc Tết Hàn Thực

Nguồn gốc của Tết Hàn Thực

Hoạt động trong Tết Hàn Thực

Làm bánh trôi, bánh chay

Đây là hai loại bánh phổ biến nhất trong ngày lễ này. Mừng Tết Hàn Thực thì không thể thiếu chúng. Người ta sẽ dùng bột gạo nếp để nhào phần vỏ bánh. Nhân bánh là viên đường đỏ. Bánh được nặn, cẩn thận tạo hình tròn với kích thước vừa nhỏ. Bánh trôi được luộc trong nước, vớt ra, để nguội. Bánh chay cũng tương tự nhưng có thêm nước đường ăn kèm.

Bánh truyền thống sẽ có màu trắng của bột gạo nếp. Người làm cũng sử dụng thêm nguyên liệu để tạo màu sắc đa dạng, tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn. Ví dụ, dùng nước cốt lá dứa để tạo màu xanh lục, dùng gấc để tạo màu đỏ, củ dền để làm bánh màu hồng… Có thể rắc thêm chút vừng lên trên bánh cho đẹp mắt hơn.

Hoạt động trong Tết Hàn Thực

Làm bánh trôi và bánh chay

Bánh có hình tròn, lại được xếp vào đĩa, gọn gàng, san sát nhau, làm gợi nhớ đến hình ảnh bọc trăm trứng của Âu Cơ. Nguyên liệu bột gạo nếp thể hiện nền văn minh lúa nước lâu đời của Việt Nam. Có thể nói, thức bánh đơn giản này là kết tinh bản sắc dân tộc và nét đẹp văn hóa ngàn đời. 

Gia đình sẽ cùng nhau quây quần làm bánh, cùng nhau trò chuyện, ôn lại kỷ niệm và vun đắp tình cảm. Đây cũng là một trong những ý nghĩa của ngày lễ.

Thắp hương, cúng lễ tổ tiên

Bánh sau khi đã nguội sẽ được đặt trong đĩa và đem lên thắp hương trên bàn thờ gia tiên. Các gia đình sẽ bày biện 3 hoặc 5 đĩa bánh trôi, bánh chay (vì quan niệm số lẻ mang đến điềm lành), hoa tươi, trái cây tươi, trầu cau, một chén nước trắng và nhang; sau đó tiến hành làm lễ cúng gia tiên. Ở một số địa phương, người ta còn cúng thần hoàng để tưởng nhớ cội nguồn và thể hiện lòng thành.

Hoạt động trong Tết Hàn Thực

Thắp hương, cúng lễ tổ tiên

Ý nghĩa của ngày lễ

Người ta tự tay làm bánh rồi thành kính dùng bánh trôi, bánh chay lễ Phật và cúng tổ tiên với mục đích tưởng nhớ đến những người đã khuất, thể hiện lòng thành kính với bậc bề trên. 

Gia đình quây quần bên nhau làm bánh rồi cùng thưởng thức thành quả. Các thành viên tận hưởng hương vị ngọt ngào của từng chiếc bánh trong không khí sum họp đầm ấm.

Tết Hàn Thực cũng mang ý nghĩa cầu mong thời tiết thuận lợi, giảm bớt cái nắng nóng gay gắt của mùa hè sắp đến. Bánh trôi, bánh chay ăn lạnh lại có màu trắng đại diện cho nguyên tố Kim trong ngũ hành. Ngày lễ này mang theo cả mong ước thời tiết thuận hòa.

=> Xem thêm: Tết Thanh Minh năm 2023 vào ngày nào? Ý nghĩa của ngày này là gì?

Cần kiêng kị gì trong ngày Tết Hàn Thực?

Cần kiêng kị gì trong ngày Tết Hàn Thực

Cần kiêng kị gì trong ngày Tết Hàn Thực

Bạn cũng nên lưu ý đến một số việc cần tránh trong ngày lễ này.

  • Kiêng cúng bánh trôi, bánh chay ngũ sắc: Chỉ cúng bánh có màu trắng truyền thống của bột gạo, tránh màu sắc sặc sỡ để giữ đúng sự đơn giản, thanh tịnh trong lễ cúng.
  • Kiêng chuyển nhà:Người ta quan niệm rằng thay đổi chỗ ở trong ngày tết này sẽ tạo ra sự bất ổn vì vong linh người đã khuất rất gần gia đình vào ngày này nên cần tránh những việc như chuyển nhà.
  • Kiêng cúng hoa quả có gai, vị đắng: Tránh cúng những loại quả có đặc điểm này để hạn chế những điều xui rủi
  • Kiêng cúng hoa ly, hoa sứ, hoa vạn thọ: Kiêng cúng những loại hoa này để tránh điềm xấu.

Tết Hàn Thực tại Việt Nam khác gì so với Trung Quốc?

Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi du nhập vào nước ta thì ngày lễ này đã có những thay đổi để phù hợp với văn hóa Việt Nam. 

Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Dực, tục lệ ăn bánh trôi, bánh chay bắt đầu từ giai đoạn nhà Lê Trung Hưng (1533 – 1789). Lê Quý Đôn cũng viết rằng “Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy.” Tục lệ đã có từ rất lâu đời. Tục ăn bánh trôi, bánh chay đã kết hợp cùng Tết Hàn Thực của Trung Hoa để có một phong tục như hiện nay.

Tết Hàn Thực tại Việt Nam khác gì so với Trung Quốc

Tết Hàn Thực cũng là tết bánh trôi, bánh chay

Tại Việt Nam, chúng ta không tưởng nhớ Giới Tử Thôi,  không kiêng lửa và cũng không chỉ ăn đồ lạnh trong Tết Hàn Thực. Người Việt Nam trong ngày này vẫn nấu nướng, sử dụng lửa và ngày lễ tập trung vào hoạt động làm bánh trôi, bánh chay và cúng gia tiên, tưởng nhớ người đã khuất. Có thể thấy, Tết Hàn Thực đã trở thành ngày Tết bánh trôi – bánh chay tại Việt Nam, chứ không còn giữ nguyên những quy tắc như là ngày lễ này tại Trung Quốc. Ngày lễ là nét đẹp văn hóa riêng trong phong tục tập quán của người dân đất nước Việt Nam.

Vậy là bạn đã có thêm kiến thức về một trong những ngày lễ tết trong văn hóa dân gian của Việt Nam rồi. Mỗi ngày tết như thế lại có ý nghĩa riêng. Hiểu được chúng thì bạn sẽ càng thêm yêu quý và trân trọng. Tháng 3 âm lịch sắp tới. Sao không tự tay thử làm một mâm bánh trôi, bánh chay để dâng hương lễ Phật và cúng gia tiên? Bạn sẽ có trải nghiệm thú vị với ngày tết này đó.

Đánh giá bài viết

Tin cùng chuyên mục