Tết Nguyên Đán – Ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam

6 Tháng Tư, 2023 22:22

Thời khắc đón chào năm mới theo lịch âm cũng là lúc mà người dân tận hưởng một dịp lễ lớn nhất trong năm. Đó chính là tết Nguyên Đán. Là người Việt Nam, không ai là không biết đến ngày lễ này. Ngày tết là sự kiện quan trọng đối với đời sống tinh thần của mọi người. Nhắc đến tết là lòng ai cũng xốn xang.

Trong một năm, các dịp lễ tết diễn ra liên tục nhưng lễ có quy mô lớn nhất và có ý nghĩa đặc biệt nhất chính là tết Nguyên Đán. Tết là thời điểm để đón chào năm mới, để nhà nhà sum vầy, để cầu chúc bình an… Mỗi vùng miền lại có những phong tục tập quán khác nhau để đón tết. Cùng Lịch Vạn Sự tìm hiểu những nét đẹp trong ngày tết cổ truyền này nhé.

Nguồn gốc của tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là một từ, chỉ dịp lễ có ý nghĩa quan trọng nhất với người Việt. Tết xuất phát từ “tiết”, là một từ gốc Hán nhưng sau đó du nhập vào nước ta và được biến đổi thành Tết. Đây cũng là điều thú vị của tiếng Việt và chứng tỏ bản sắc dân tộc không bị hòa tan bởi văn hóa ngoại lai. Nguyên Đán thì là từ ghép hán việt. Nguyên là nguyên bản, gốc gác, là cái đầu tiên. Đán mang nghĩa là buổi sớm mai, buổi sáng sớm.

Ghép lại, chúng ta có Nguyên Đán là chỉ ngày đầu tiên của năm mới, ngày khởi đầu của một năm. Mốc thời gian đó thực sự rất đặc biệt. Việt Nam là một nước có nền văn minh lúa nước lâu đời, vậy nên mốc thời gian này cực kỳ quan trọng. Nó là khởi đầu của một chu kỳ canh tác mới, là điểm bắt đầu của vụ mùa trong năm. Cha ông ta ăn mừng mốc thời gian này vì nó thực sự quan trọng trong cuộc sống.

Có nhiều giả thuyết khác nhau về tết Nguyên Đán. Có giả thuyết cho rằng tết xuất phát từ Trung Quốc rồi được du nhập và Việt Nam. Giả thuyết khác thì khẳng định tết đã có mặt ở nước ta từ thời Hùng Vương, từ sự tích Bánh Chưng Bánh Dày. Khổng Tử cũng từng viết về lễ hội của người Giao Chỉ. Nhiều bằng chứng nói lên việc tết cổ truyền đã ra đời trước cả khi nước ta phải chịu nghìn năm bắc thuộc, trước thời Tam Hoàng Ngũ Đế. Nhà sử học Trần Văn Giáp thì nghiên cứu và khẳng định tục ăn tết có từ thế kỷ thứ 6 sau công nguyên.

Tết Nguyên Đán tại Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau, được phổ biến rộng rãi như tết ta, tết cổ truyền, tết âm lịch, tết cả. Nhắc đến tết, ai cũng có trong mình cảm xúc khó tả rất riêng.

Nguồn gốc của tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán có từ xa xưa

Hoạt động trong dịp tết của các gia đình

Tết không chỉ là một ngày mà nó là cả một khoảng thời gian gồm nhiều ngày từ cuối năm đến đầu năm. Từ ngày 23 tháng 12 âm lịch là đã bắt đầu có nghi lễ cúng bái cho đến mùng 5 sẽ hết tết. Tết Nguyên Đán là dịp lễ được nghỉ theo lịch của Nhà nước. Các công ty, cơ quan đoàn thể cũng tùy theo tình hình kinh doanh và làm việc mà sắp xếp lịch nghỉ cho người lao động.

=> Xem thêm: Những điều cần biết trong buổi lễ ăn hỏi, chạm ngõ

Cúng ông Táo

Hay còn gọi là cúng ông Công ông Táo. Đây là một nghi lễ được thực hiện vào ngày 23 tháng chạp (tháng 12 âm lịch). Nó như là mở màn cho một chuỗi các hoạt động vào dịp tết Nguyên Đán. Tháng 12 âm lịch còn được gọi vui là tháng củ mật. Mọi người cùng tăng tốc, hăng say lao động để đóng lại công việc trong năm và chào đón một năm mới làm ăn phát đạt hơn. Trong tháng 12, sẽ có lễ cúng ông Táo. Vào ngày này, mọi người sẽ làm một mâm cơm để cúng gia tiên, cúng ông Táo, bao sái ban thờ, dọn dẹp bàn thờ, mua cá để phóng sinh. Ông Táo là vị thần bếp cai quản trong mỗi gia đình. Theo truyền thuyết, hàng năm, vào ngày 23 tháng chạp, ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình để báo cáo về mọi việc trong một năm của mỗi gia đình nên mới có lễ cúng ông Táo ra đời để tiễn ông Táo lên chầu trời.

Hoạt động trong dịp tết của các gia đình

Thả cá chép tiễn ông Táo chầu trời

Tảo mộ

Nhiều nơi có tục lễ tảo mộ vào những ngày cuối năm. Người ta tưởng nhớ đến tổ tiên và những người thân đã khuất. Họ sẽ đến nghĩa trang, dọn cỏ, sửa sang, lau dọn phần mộ rồi đặt hương hoa, lễ quả để thắp hương, khấn vái. Con cháu bày tỏ lòng hiếu kính đến bề trên và cầu mong một năm mới bình an.

Cúng tất niên và cúng giao thừa

Theo phong tục tập quán của người Việt Nam thì luôn có nghi lễ cúng tất niên để tiễn năm cũ và chào đón, cầu mong năm mới an khang thịnh vượng. Thời khắc giao thừa diễn ra cũng là lúc nhiều gia đình tổ chức cúng giao thừa. Lễ cúng chào đón một năm mới đến với nhiều ước nguyện về cuộc sống hạnh phúc hơn. Các thành viên trong gia đình sẽ cùng quây quần để thưởng thức mâm cơm sau khi nghi lễ cúng đã được thực hiện xong. Mâm cỗ thường có xôi, gà luộc, giò, nem rán, canh măng, rau xào. Tùy theo mỗi gia đình mà món ăn trong mâm cúng sẽ thay đổi cho phù hợp.

Hoạt động trong dịp tết của các gia đình

Mâm cúng giao thừa

Xông đất

Đây là một phong tục cổ truyền của nước ta. Xông đất nghĩa là đến nhà một ai đó vào dịp năm mới với cương vị là người đầu tiên. Người được chọn xông đất là người đầu tiên bước vào nhà gia chủ trong mùng 1. Người xông đất phải là người có tuổi hợp mệnh gia chủ và hợp với năm âm lịch đó. Người ta tin rằng người xông đất có thể mang điềm lành, may mắn đến với gia chủ.

Đi chúc tết và mừng tuổi

Tết Nguyên Đán là dịp để gắn kết tình thân. Người ta đến đến nhà anh em, họ hàng để chúc Tết, thăm hỏi và mừng năm mới. Mọi người gặp gỡ, cùng sum họp ăn uống và trao nhau những lời chúc thật tốt đẹp với hy vọng một năm mới dồi dào sức khỏe và vạn sự như ý. 

Mừng tuổi cũng là một phong tục thú vị. Những phong bao lì xì với màu sắc sặc sỡ sẽ được chuẩn bị với một tờ tiền bên trong. Thường thì trẻ em và người lớn tuổi sẽ được nhận lì xì. Trẻ em thì nhận lời chúc mau lớn, thêm tuổi mới thật nhiều niềm vui. Các bậc ông bà thì được con cháu mừng tuổi. Con cháu sẽ chúc ông bà sống lâu trăm tuổi. Những bao lì xì đỏ thắm mang theo ước nguyện dành cho người nhận.

Không chỉ chúc tết người thân trong gia đình mà người ta còn đi tết thầy cô giáo. Dân gian có câu: Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy. Thầy cô giáo cũng là những đã giúp ta trưởng thành, mang đến hành trang tri thức nên trong ngày tết Nguyên Đán, nhiều người cũng đi chúc tết thầy cô.

Hoạt động trong dịp tết của các gia đình

Chúc tết người thân, họ hàng

Đi lễ chùa

Đầu năm cũng là dịp nhiều Phật tử và người dân đến các ngôi chùa để xin lửa đêm giao thừa và đến vãn cảnh, lễ Phật vào 3 ngày tết. Mọi người mang theo tấm lòng thành kính, cầu an, cầu lộc và cầu phúc cho năm mới 

Du xuân

Mùa xuân với một ước vọng năm mới bình an mang đến nhiều cảm hứng. Người ta đi du xuân để tận hưởng không khí đầu năm và vun đắp thêm tình cảm gia đình. Nhiều gia đình cũng tranh thủ kỳ nghỉ dài để tổ chức những chuyến du lịch đến các địa điểm danh lam thắng cảnh.

Hoạt động chuẩn bị tết Nguyên Đán

Trang hoàng nhà cửa

Tết đến thì nhà nhà đều quét dọn và sắp xếp lại nhà cửa sao cho thật sạch sẽ và ngăn nắp. Người ta thường đùa rằng, đến tết và có “đại hội dọn nhà”. Từng ngõ ngách trong căn nhà đến từng chi tiết trên bộ bàn ghế cũng được lau chùi sạch bóng. Không chỉ dọn dẹp mà mọi người còn trang trí nhà cửa với những vật trang trí xinh xắn. Người ta còn treo cờ tổ quốc, giăng đèn nhấp nháy đủ màu, treo cờ hoa để trang trí từng con đường nơi sinh sống. 

Ngày tết Nguyên Đán, người ta cũng mua hoa rồi đào, mai, quất để khiến căn nhà thêm phần xinh đẹp và tràn đầy sức sống. Miền Bắc thường có tục mua cành đào, cây đào và cây quất để trang trí ngày tết. Miền Nam thì người ta sẽ mua mai vào dịp này. 

Gói bánh và bày mâm ngũ quả, cắm hoa

Ngày tết Nguyên Đán không thể thiếu của những chiếc bánh chưng, những đòn bánh tét và mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên. Người dân miền Bắc gói bánh chưng còn miền Nam lại làm bánh tét. Hai loại bánh khá giống nhau chỉ khác về hình dáng. Hình ảnh các thành viên cùng chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh, luộc, trông bánh và vớt bánh thật đầm ấm biết bao. Nhờ những hoạt động thế này mà tết luôn là những kỷ niệm thật trân quý trong lòng mọi người.

Hoạt động chuẩn bị tết Nguyên Đán

Gói bánh chưng ngày tết

Mâm ngũ quả cũng là một phần không thể thiếu. Đúng với cái tên, mâm ngũ quả sẽ gồm 5 loại quả, được bài trí và đặt lên bàn thờ gia tiên. Mỗi miền sẽ có các loại quả khác nhau. Miền Bắc sẽ có chuối xanh, cam, quất, thanh long, táo, phật thủ… Tùy theo gia đình và địa phương thì người ta sẽ chọn quả khác nhau. Miền Nam thì có 5 loại quả: mãng cầu, sung, đu đủ, dừa và xoài để gắn với câu nói “cầu sung vừa đủ xài”. Tên các loại quả đọc chệch đi thành 1 câu nói cầu mong tài lộc năm mới.

Hoa trong ngày tết cũng vô cùng quan trọng. Để khiến cho không khí thêm tưng bừng và không gian rực rỡ thì đủ các loại hoa ngát hương được sử dụng để trang trí. Các gia đình mua hoa để cắm lọ trang trí phòng khách hoặc mua hẳn chậu hoa đủ kích cỡ trang trí ngoài sân.

Mua sắm 

Ngày tết Nguyên Đán hay phải cúng lễ nên người nội trợ trong gia đình luôn phải tính toán mua thực phẩm và mọi vật dụng sao cho hợp lý. Người ta cũng sắm sửa quần áo mới để đi chúc tết và du xuân. Nhất là những đứa trẻ, chúng háo hức được mặc quần áo mới, đi du xuân, đi chúc tết và nhận tiền lì xì. Các khu chợ và trung tâm thương mại đều tấp nập vào dịp tết.

=> Xem thêm: Ý nghĩa đặc biệt của lễ Vu Lan trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng

Ý nghĩa của ngày tết

Tết cổ truyền là một nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc. Đã từng có ý kiến bỏ tết Nguyên Đán mà chỉ ăn tết dương lịch nhưng đã bị bác bỏ. Tết là ngày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần người dân Việt Nam. Ai cũng gấp gáp hoàn thành công việc trong năm để ăn tết thật thảnh thơi. Tết là dấu mốc tổng kết, khép lại và nói lời tạm biệt với 1 năm cũ, cùng như chào đón và nói lời chào với năm mới. 

Người người cùng hân hoan đón tết Nguyên Đán. Tết là dịp để sum họp gia đình, các thành viên cùng quây quần bên nhau và tận hưởng công việc đón tết. Trẻ em, người lớn, người lớn tuổi đều có tâm trạng và cảm nhận riêng về ngày lễ này. Các thế hệ trong gia đình cùng nhau dọn nhà đón tết, mua sắm các vật dụng, cùng làm cơm cúng giao thừa, thưởng thức mâm cơm, cùng đi chúc tết… Quá nhiều hoạt động để làm cùng nhau, từ đó mà tình cảm gia đình được vun đắp và bền chặt hơn.

Ý nghĩa của ngày tết

Gia đình sum họp đoàn viên

Những người con xa quê cũng trở về bên cha mẹ để ăn tết. Mọi người được nghỉ làm theo lịch Nhà nước để trở về bên người thân và đón cái tết trọn vẹn.

Tết Nguyên Đán cũng là một dịp để những phong tục tập quán cổ truyền được lưu giữ và phát huy. Con cháu cũng bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên và những người đã khuất bằng việc tảo mộ và cúng bái. Tình cảm yêu thương được thăng hoa với những lời chúc khi thăm hỏi nhau và lời cầu nguyện khi lễ bái gia tiên và lễ chùa. Mọi người không chỉ cầu chúc cho bản thân mà còn cho gia đình, bạn bè và tất thảy mọi người trên đất nước.

Tết khiến tinh thần dân tộc được bồi đắp với những hoạt động chung trong toàn xã hội. Hàng xóm láng giềng cùng nhau trang trí đón tết, thăm hỏi nhau. Mọi người cùng ngắm pháo hoa rực rỡ trong giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Người dân cùng hòa chung không khí, hòa chung nhịp đập con tim. Mọi người cùng ăn tết, cùng ngầm hiểu rằng mình đều là con Lạc cháu Hồng, đều là người Việt Nam.

Tết Nguyên Đán còn là dịp để cầu mong một năm mới bình an, là lúc bắt đầu một chu kỳ thời gian 4 mùa, là lúc đất trời hòa hợp, muôn loài vui ca. Chúng ta ăn mừng giây phút thiêng liêng bắt đầu một năm với những ước nguyện thật đẹp đẽ.

Những nước khác ăn tết như thế nào?

Tết âm lịch không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn được tổ chức ở một số quốc gia châu Á cũng như tại các cộng đồng người châu Á tại các châu lục khác. Đất nước tỷ dân Trung Quốc cũng đón tết âm lịch. Người ta nói đùa rằng dịp tết là sự kiện di cư lớn nhất năm tại đây. Người dân sống tại thành phố lớn sẽ di chuyển về quê ăn tết, tạo nên một cảnh tượng vô cùng ấn tượng. Dịp tết cũng là lúc họ quây quần bên gia đình, sum họp cùng người thân trong thời gian nghỉ 1 tuần. Người Trung Quốc tổ chức nhiều lễ hội, hoạt động giải trí, bắn pháo hoa, múa lân, đốt pháo vào ngày tết. Họ cùng mừng phong bao lì xì màu đỏ cho trẻ em.

Hàn Quốc cùng chào đón năm mới với tết Seollal. Trong ba ngày nghỉ, họ đến thăm người thân, mặc trang phục truyền thống Hanbok, ăn món ăn truyền thống, chơi các trò chơi dân gian. Con cháu sẽ cúi lạy ông bà, bố mẹ, nói những lời chúc chân thành và nhận được tiền mừng tuổi.

Những nước khác ăn tết như thế nào?

Tết truyền thống của người Hàn Quốc

Quốc đảo Singapore cũng đón tết âm lịch vì có nhiều người Hoa sinh sống. Họ tổ chức nhiều lễ hội như như lễ River Hongbao, lễ hoa đăng, lễ hội Chingay, rồi còn các hoạt động như múa sư tử, lễ chùa cầu may, chúc tết.

Người Lào gọi tết là Bunpimay. Họ có lễ hội Hốt Nậm với hoạt động té nước, để cầu mong nước mang đến sự sống và tạo ra sự sinh sôi nảy nở. Họ nhảy điệu truyền thống, vui chơi, tặng vải, tặng khăn cho người cao tuổi, đi chùa cầu nguyện. Người Lào kết hoa Champa thành chùm để trang trí nhà cửa hoặc cài hoa lên tóc để cầu may. Món Lạp được nấu vào ngày tết và phải được nấu thật ngon vì người ta tin rằng nấu món này dở thì cả năm sẽ xui xẻo.

Đất nước Philippines cũng đón tết âm lịch bằng việc đến chùa cầu an, tổ chức múa lân, múa rồng… Họ có món ăn truyền thống Tikoy (bánh gạo ngọt) để thưởng thức trong ngày tết Nguyên Đán

Bhutan cũng đón tết. Tết của họ có tên Puja Losar. Vào ngày tết, người dân chuẩn bị mâm cúng thịnh soạn để dâng lên tổ tiên và thần linh. Họ không sát sinh và đi cầu nguyện bằng cách viết lời chúc lên các lá cờ và treo chúng ở khắp nơi. 

Tết Nguyên Đán thực sự là một ngày lễ lớn. Ước tính có đến 1.5 tỷ người trên thế giới đón tết âm lịch. Mọi người cùng cầu chúc cho một năm mới bình an và hạnh phúc. Dịp nghỉ lễ là cơ hội để nghỉ ngơi, vui chơi và thực hiện những hoạt động truyền thống đầy ý nghĩa. Hy vọng những thông tin mà Lichngaytot.net.vn mang lại sẽ tăng thêm phần hiểu biết cho người đọc về ngày lễ này.

5/5 - (1 bình chọn)

Tin cùng chuyên mục