Ý nghĩa đặc biệt của lễ Vu Lan trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng

3 Tháng Tư, 2023 08:48

Tháng 7 âm lịch là khoảng thời gian diễn ra nhiều dịp lễ quan trọng trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tháng 7 cũng được biết đến như tháng Vu Lan báo hiếu. Ngày lễ này không chỉ bó hẹp trong cộng đồng Phật giáo mà còn phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội. Mọi người cùng thực hiện các nghi lễ để thể hiện lòng thành kính với bậc sinh thành.

Lễ Vu Lan mang ý nghĩa vô cùng lớn lao. Vào ngày này, người ta sẽ có những hoạt động truyền thống để thực hiện các nghi lễ với mong muốn cầu chúc bình an cho cha mẹ. Ngày lễ này là ngày thể hiện lòng hiếu thảo. Nó là nét đẹp văn hóa và tôn giáo vô cùng đáng quý mà mọi người luôn giữ gìn cũng như trân trọng. Lịch Vạn Niên sẽ mang đến các thông tin hữu ích để bạn đọc hiểu hơn về ngày lễ này.

Nguồn gốc của lễ Vu Lan

Sự tích Bồ Tát Mục Kiền Liên cứu mẹ

Mỗi ngày lễ trong phong tục cổ truyền Việt Nam đều có những câu chuyện xa xưa, điển tích hoặc truyền thuyết để giải thích cho sự đời của chúng. Nguồn gốc của ngày lễ cũng liên quan đến ý nghĩa và những nghi lễ cần thực hiện. Cùng xem nguồn gốc của lễ Vu Lan là gì nhé?

Ban đầu, lễ xuất hiện trong cộng đồng những người theo Phật giáo nhưng về sau dần trở thành ngày lễ quen thuộc trong đời sống. Nếu xuất hiện đầu tiên trong Phật giáo thì tất nhiên nguồn gốc của nó phải liên quan đến tôn giáo này rồi. Nó bắt nguồn từ câu chuyện đạo hiếu của một vị cao tăng cũng là một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Phật. Vị đại sư đó là Bồ Tát Mục Kiền Liên.

Câu chuyện được ghi chép trong kinh Vu Lan Bồn. Tương truyền, Mục Kiền Liên có người mẹ tên là Thanh Đề. Sau khi bà qua đời, đại sư muốn biết xem bà đang như thế nào nên đã dùng phép để tìm bà khắp chốn. Mục Kiền Liên đã tu hành đắc đạo nên có đầy đủ phép thần thông và đã nhanh chóng tìm được mẹ.

 Nguồn gốc của lễ Vu Lan

Sự tích đại hiếu cứu mẹ của Mục Kiền Liên

Nhưng thật không may, bà Thanh Đề lại đang phải chịu kiếp đày đọa ngạ quỷ, trong thân của loài quỷ đói do kiếp trước bà đã tạo nghiệp ác. Bà phải chịu đựng đói khát, khổ sở. Mục Kiền Liên vô cùng đau xót khi chứng kiến cảnh này. Đại sư mang cơm đến cho mẹ, nhưng vừa đưa cơm đến miệng thì lại biến thành lửa. Do bà phải trả nghiệp các kiếp trước do mình gây ra nên mới xảy ra chuyện như vậy. Mục Kiền Liên không thể làm gì để giúp mẹ.

Quá bất lực, ông tìm đến Đức Phật để xin giúp đỡ. Đức Phật đã nói ra kinh Vu Lan Bồn, khuyên đệ tử như sau. Người nói rằng Mục Kiền Liên không thể một mình cứu được mẹ dù có dùng phép thuật gì đi chăng nữa. Để hóa giải nghiệp mà bà Thanh Đề gây ra chỉ còn cách là hợp lực chúng tăng, cùng làm lễ chú nguyện, cúng dường, tạo công đức. Ngày 15/7 âm lịch chính là ngày thích hợp để làm việc này.

Nghe lời Đức Phật, Mục Kiền Liên đã cúng thỉnh chư tăng, làm theo đúng lời khuyên răn, hồi hướng công đức và cuối cùng đã thành công cứu được người mẹ thoát khỏi ngạ quỷ. Phật cũng dạy chúng sinh là ai muốn báo hiếu cha mẹ thì làm theo cách này. Kể từ đó, ngày lễ Vu Lan vào rằm tháng 7 được ra đời. Câu chuyện cứu mẹ của Đại sư Mục Kiền Liên chính là nguồn gốc của ngày báo hiếu lễ Vu Lan.

Nguồn gốc của từ Vu Lan

Từ “Vu Lan” bắt nguồn từ Ullambana, có nghĩa là giải thoát cho những người đang chịu đau khổ tại chốn địa ngục. Vu Lan không phải một từ thuần Việt mà nó là từ Hán Việt.

Lễ Vu Lan diễn ra vào dịp Tứ tự bởi vì sau 3 tháng an cư, chư tăng thông quan tu tập giới luật, thọ trì, sám hối trước đại chúng, có đầy đủ giới pháp thanh tịnh tạo thành uy lực, cứu độ cha mẹ chúng sinh. Năm 2023, lễ Vu Lan vào ngày 30 tháng 8 dương lịch.  

Làm gì trong lễ Vu Lan?

“Tháng bảy mùa thu lá rụng vàng

Ấy mùa nhân loại đón Vu Lan”

Tham gia hoạt động tổ chức tại chùa

Vào ngày này, người ta sẽ đến chùa để tham gia các sự kiện do nhà chùa tổ chức vì đây vốn là một ngày lễ lớn trong Phật giáo. Các hoạt động chính là tổ chức đọc kinh cầu nguyện, ăn chay, cúng dường, cầu siêu, làm việc thiện tích đức, thả đèn hoa đăng… Có nơi sẽ bày tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ bằng cách để con cái quỳ lạy và nói lời cảm ơn đến bậc sinh thành. Mọi người đến chùa cầu an cho cha mẹ được sống mạnh khỏe.

Làm gì trong lễ Vu Lan

Chùa tổ chức cúng lễ Vu Lan

Ngày lễ quy mô lớn nên quy tụ rất đông chư tăng và Phật tử. Bạn sẽ thấy hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn Phật tử mặc áo lam, cùng nghe giảng kinh phật và cầu nguyện, cầu an cho mẹ cha. Mỗi người đều vô cùng thành kính với một thái độ trang nghiêm, tạo nên một khung cảnh vô cùng ấn tượng. 

Làm gì trong lễ Vu Lan

Thả hoa đăng trong lễ Vu Lan

Cúng lễ tại nhà

Với nhiều gia đình thì đây là ngày lễ quan trọng trong năm, sau tết Nguyên Đán. Cúng lễ cả năm không bằng ngày rằm tháng 7. Theo phong tục cổ truyền Việt Nam ai cũng muốn chuẩn bị vật phẩm thật chu đáo, sắp xếp mâm cúng đúng và đọc bài văn khấn thật chuẩn.

Người dân cũng có thể tự tay làm các mâm lễ để cúng bái tại nhà vào lễ Vu Lan. Việc cúng lễ sẽ gồm nhiều bước:

  • Cúng Phật
  • Cúng thần linh
  • Cúng gia tiên 
  • Cúng chúng sinh
Làm gì trong lễ Vu Lan

Mâm cỗ chay cúng Phật

Một mâm cơm chay hoặc mâm ngũ quả được chuẩn bị để làm lễ cúng Phật. Cúng Phật thì không cúng các món mặn. Tùy tâm mà gia chủ sẽ chọn các món chay khác nhau.

Cúng thần linh bằng một mâm gồm có gà luộc, xôi tùy loại hoặc bánh chưng bóc vỏ, rượu, hoa quả, hoa tươi và trà.

Cúng gia tiên bằng một mâm cơm giống với các dịp giỗ chạp. Bạn cũng có thể chọn giữa cúng đồ chay hoặc đồ mặn. Cũng cần chuẩn bị hoa quả, hoa tươi và vàng mã.

Cúng chúng sinh được tiến hành ngoài trời. Mâm cúng chúng sinh rất đa dạng, gồm có: 12 bát cháo loãng, hoa quả, sắn luộc, ngô luộc, khoai lang luộc, bánh kẹo, muối, gạo, bỏng ngô, 12 cục đường phèn, vàng mã, nước, hương, nến.

=> Xem thêm: Nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Trung Thu trong văn hóa người Việt Nam

Ý nghĩa của lễ Vu Lan

Tuy xuất phát từ Phật giáo nhưng lễ Vu Lan tại Việt Nam đã trở thành ngày truyền thống duy trì và phát triển tinh thần báo hiếu, báo ơn của toàn dân tộc. Kinh Vu Lan Bồn của Đức Phật  không chỉ để chúng sinh cầu mong cha mẹ trong đời hiện tại được sống lâu, trường thọ, mạnh khỏe, bình an mà còn nhớ đến công ơn của cha mẹ trong 7 đời để cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà tổ tiên được siêu sinh nơi tịnh cảnh.

Ngày lễ là ngày mà con cái nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Vu Lan báo hiếu không chỉ là nét đẹp văn hóa của người Việt mà ngày lễ này còn góp phần duy trì và củng cố đạo lý về sự hiếu thuận trong mỗi gia đình. Người ta không chỉ cúng bái, hành lễ mà còn hành thiện, ăn chay, phóng sinh, làm việc thiện tích đức.

Những ngày tháng 7 âm lịch, mỗi người lại tạm gác lại những bận rộn của cuộc sống, dành thời gian để tự ngẫm, yêu thương nhiều hơn, thể hiện lòng biết ơn đến các bậc sinh thành, thăm hỏi, dành những lời chúc và món quà cho cha mẹ, ông bà. Dù xã hội có phát triển đến đâu thì đạo lý uống nước nhớ nguồn và những hành động hiếu nghĩa vẫn luôn được đề cao và trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc. 

Ý nghĩa của lễ Vu Lan

Báo hiếu công ơn cha mẹ

Đối với tinh thần của đạo Phật thì ý nghĩa của lễ Vu Lan được nhân rộng lên rất nhiều. Không chỉ bó hẹp trong việc biết ơn công lao và thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ, tưởng nhớ đến tổ tiên mà ngày lễ Vu Lan còn khuyến khích mọi người trong xã hội cùng biết ơn bốn nguồn ân đức:

  • Những bậc sinh thành, chính là cha mẹ và tổ tiên
  • Những người đã dạy dỗ chúng ta trên ghế nhà trường, chính là thầy cô giáo
  • Những người đi trước, thế hệ cha ông có công dựng nước và giữ nước, đã hy sinh cho nền độc lập của dân tộc
  • Những người đồng bào, đồng loại của chúng ta trên trái đất này. 

Tại sao lại có nghi thức bông hồng cài áo?

Vào mùa lễ Vu Lan báo hiếu, ta thấy trên áo của mỗi Phật tử đến chùa đều cài một bông hồng. Lấy bông hồng cài áo trong mùa Vu Lan xuất phát từ áng văn viết về mẹ của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong những năm 1960. Hoa hồng được chọn làm biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ hiếu mà con cái gửi đến cha mẹ.

Người còn mẹ sẽ được cài bông hồng màu đỏ, người mất mẹ thì cài bông hồng màu trắng. Khi nhìn vào bông hoa cài áo, người ta sẽ thêm phần biết ơn, nhắc nhở mỗi người trân trọng người thân bên cạnh và tưởng nhớ đến người đã khuất. Hãy thể hiện tình yêu thương khi còn có thể!

Tại sao lại có nghi thức bông hồng cài áo

Hình ảnh bông hồng cài áo

Lễ Vu Lan tại các nước trên thế giới

Không chỉ tại Việt Nam mà các quốc gia thuộc châu Á khác cũng tổ chức ngày lễ Vu Lan. Ở Nhật Bản, lễ báo hiếu được tổ chức vào tháng 8 dương lịch hàng năm. Đây là ngày người dân Nhật Bản nhớ về người thân đã qua đời. Qua thời gian, ngày lễ phát triển thành ngày đoàn tụ gia đình, thăm viếng, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên.

Ở Trung Quốc, lễ Vu Lan được tổ chức từ ngày 15 đến 30 tháng 7 âm lịch. Người Trung Quốc cũng thăm mộ người thân, sửa sang, quét dọn, đốt giấy tiền, vàng mã cho người đã khuất. Họ hy vọng việc làm này giúp người dưới suối vàng đỡ vất vả và sẽ phù hộ cho con cháu ăn nên làm ra.

Lễ Vu Lan tại các nước trên thế giới

Mâm cúng lễ Vu Lan tại Trung Quốc

Người Hàn Quốc cũng có nghi thức cài hoa lên ngực áo. Họ cài hoa cẩm chướng chứ không dùng hoa hồng. Ở Indonesia, người dân tổ chức ném tiền giả để tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Vật phẩm cúng người đã khuất có lá mù tạt và mía đỏ.

Ngày lễ Vu Lan bên các nước phương Tây sẽ có những điểm khác biệt so với Việt Nam. Tinh thần đạo Phật bên đó hướng đến giáo dục và sự thức tỉnh trong cuộc sống. Ngày Vu Lan, các Phật tử đến chùa với tâm niệm thư giãn, nhớ đến bậc sinh thành và họ đến viện dưỡng lão để thăm nom, chăm sóc và tặng quà cho cha mẹ. Họ chú trọng đến những hành động như thế hơn là nghi lễ cúng bái. 

Lịch Ngày Tốt đã giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan. Ngày lễ đặc biệt này thể hiện giá trị tinh thần và đạo hiếu trong đời sống văn hóa Việt Nam. Truyền thống này sẽ được lưu giữ ngàn đời và ngày càng tạo thêm nét đẹp trong cách sống của mọi người. Nó củng cố và góp phần khiến giá trị đạo đức của con người trong xã hội hiện đại ngày càng thăng hoa.

5/5 - (5 bình chọn)

Tin cùng chuyên mục